Dinh dưỡng học

Vai trò của các chất dinh dưỡng đối với cơ thể phần 2

Cập nhật839
0
0 0 0
2.3 Glucid

2.3.1 Vai trò dinh dưỡng của glucid:
  • Là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng. 1g glucid đốt cháy trong cơ thể cho khoảng 4kcal. Glucid ăn vào được chuyển thành năng lượng, số dư một phần được gan tổng hợp thành glycogen và một phần thành mỡ dự trữ.
  • Glucid tham gia tạo hình trong thành phần của màng tế bào và mô dưới dạng glucoprotein. Glucid đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tế bào thần kinh đặc biệt là thần kinh trung ương.
  • Ăn đủ glucid sẽ giảm phân hủy protid ở mức tối thiểu. Ngược lại, khi lao động nặng cung cấp glucid không đủ sẽ làm tăng phân hủy protid.
2.3.2 Nguồn glucid trong thực phẩm:

– Nguồn gốc thực vật là nguồn cung cấp chính, có nhiều trong ngũ cốc, củ, quả chín.
 
   Tên thực phẩm      Glucid (trong 100g TP ăn được)    Tên thực phẩm  Glucid (trong100g TP ăn được)               
 Đường kính 99,3 Ngô tươi 39,6
 Đường cát 94,6 Củ sắn 36,4
 Gạo tẻ máy 76,2 Khoai lang 28,5
 Bột mỳ 72,9 Khoai sọ 26,5
Đậu Hà Lan 60,1 Đậu tương 24,6
Đậu đen 53,3 Chuối tiêu 22,2
Đậu xanh 53,1 Khoai tây 21,0
Bảng thực phẩm nguồn gốc thực vật giàu glucid
 
Có 2 dạng glucid: Glucid tinh chế và glucid bảo vệ.
  • Glucid tinh chế : Là những thực phẩm giàu glucid đã qua nhiều mức chế biến, làm sạch đã mất tối đa các chất kèm theo. Mức tinh chế càng cao, lượng mất các thành phần cấu tạo càng lớn, chất xơ bị loại nhiều hàm lượng glucid càng tăng và thực phẩm trở nên dễ tiêu như đường, bánh ngọt, kẹo…Glucid tinh chế là tác nhân chính gây một số bệnh như béo phì, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ và cholesterol ở người cao tuổi.
  • Glucid bảo vệ: Là nguồn glucid thực vật chủ yếu dưới dạng tinh bột với lượng cellulose kèm theo không dưới 0,4‰, được bảo vệ bởi cellulose đối với các kích thích nhanh của các men tiêu hóa, do đó chậm tiêu, không đồng hóa nhanh và rất ít được sử dụng để tạo mỡ.
2.3.3 Nhu cầu glucid:

Theo khuyến nghị cho người Việt nam năng lượng do glucid cung cấp hằng ngày nên chiếm từ 60 – 70 % nhu cầu năng lượng. Thiếu glucid cơ thể bị sút cân và mệt mỏi. Thiếu nhiều có thể dẫn tới hạ đường huyết, toan hóa máu do tăng thể cetonic. Ăn uống quá nhiều glucid thừa sẽ chuyển thành lipid gây béo phì, thừa cân.

2.4 Các vitamin:

Vitamin là chất hữu cơ cần thiết có cấu trúc khác với glucid, protid, lipid. Vitamin cần thiết cho sự phát triển và duy trì sự sống bình thường của con người. Cho nên vitamin bắt buộc phải có trong bữa ăn dù với số lượng ít. Nhiều vitamin là thành phần của các hormon cần thiết cho quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể.
Vitamin được chia làm 2 nhóm :
  • Các vitamin tan trong nước là vitamin nhóm B, C.
  • Các vitamin tan trong chất béo là vitamin nhóm A, D, E, K.

Các vitamin tan trong nước khi thừa sẽ bài tiết ra ngoài cơ thể theo đường nước tiểu và mồ hôi, do vậy không gây ra tình trạng nhiễm độc vitamin.
Các vitamin tan trong chất béo khi thừa không thể đào thải ra ngoài mà dự trữ lại trong mỡ của gan. Với một lượng quá cao vitamin A, D có thể gây ngộ độc.
2.4.1 Vitamin A: (Retinol)

Vai trò dinh dưỡng:

Vitamin A có vai trò quan trọng với chức phận thị giác, nhất là tham gia vào sự nhìn đêm. Duy trì tình trạng bình thường của tế bào biểu mô.Vitamin A cần cho sinh trưởng và phát triển của trẻ em tăng sức đề kháng của cơ thể với sự nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng và virus.
Thiếu vitamin A sẽ gây bệnh quáng gà, khô mắt và loét giác mạc, da niêm mạc bị khô, sừng hóa, các tuyến bị teo…Thừa vitamin A (dùng vitamin A liều cao kéo dài) gây đau đầu, buồn nôn rụng tóc, khô da và niêm mạc. Dùng vitamin A liều cao cho phụ nữ có thai có thể gây quái thai.
Nguồn cung cấp vitamin A:
  • Nguồn gốc động vật: Có nhiều trong gan, bầu dục, bơ, trứng, đặc biệt trứng vịt lộn, sữa…
  • Nguồn gốc thực vật: Vitamin A tồn tại dưới dạng tiền vitaminA (caroten) khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A, có nhiều trong rau có màu xanh đậm như rau muống, rau ngót, rau cải xanh và các loại củ, quả có màu vàng, màu đỏ như rau dền, bí đỏ, gấc, cà rốt…
Nhu cầu vitamin A:
  • Trẻ < 1 tuổi 0,5mg (1650 đơn vị)/ngày.
  • Trẻ 1 – 7 tuổi 1mg (3300 đơn vị)/ngày.
  • Trẻ 7 – 15 tuổi 1,5mg (5000 đơn vị)/ngày
  • Người lớn 1,5mg (5000 đơn vị)/ngày.
  • Phụ nữ có thai, cho con bú, người bệnh nhiễm trùng, ký sinh trùng, giai đoạn hồi phục bệnh nhu cầu tăng cao hơn.
2.4.2 Vitamin D: (Calciferol)
  • Vai trò dinh dưỡng: Vai trò chính là giúp cho cơ thể tăng hấp thụ calci và phospho để hình thành và duy trì hệ xương, răng vững chắc. Chống còi xương và kích thích tăng trưởng của cơ thể.
  • Nguồn cung cấp vitamin D có trong thực phẩm nguồn gốc động vật, trong mỡ và gan cá, trong trứng gà, bơ, sữa.
  • Nhu cầu vitamin D: Trẻ em, phụ nữ có thai, cho con bú cần 500UI/ngày.
2.4.3 Vitamin B₁: (Thiamin)

– Vai trò dinh dưỡng: Vitamin B₁ giúp chuyển hóa glucid thành năng lượng, điều hòa quá trình dẫn truyền các xung động thần kinh. Thiếu vitamin B₁ sẽ gây ra các rối loạn liên quan đến các rối loạn dẫn truyền thần kinh như tê bì táo bón, hồi hộp, ăn không ngon miệng, thiếu nhiều dẫn đến bệnh tê phù.

Nguồn cung cấp vitamin B₁:
  • Nguồn gốc động vật: Thịt nạc, lòng đỏ trứng, sữa, gan, thận…
  • Nguồn gốc thực vật: Có trong ngũ cốc, đậu, rau, đậu đỗ…
Nhu cầu vitamin B₁:
  • Dưới 7 tuổi : 1mg/ ngày.
  • Từ 7 – 14 tuổi: 1,5mg/ngày.
  • Trên 14 tuổi: 2mg/ngày.
  • Phụ nữ có thai:  2,5mg/ngày. Cho con bú 2 – 3 mg/ngày.
2.4.4 Vitamin B₂: (Riboflavin)
  • Vai trò dinh dưỡng: Vitamin B₂ là thành phần của nhiều hệ thống men tham gia chuyển hóa trung gian. Vitamin B₂ tham gia chuyển hóa protid, thiếu vitamin B₂ một phần các acid amin của thức ăn không được sử dụng, bị đào thải ra ngoài theo nước tiểu. Ngược lại thiếu protid cũng xuất hiện triệu chứng thiếu vitamin B₂.Vitamin B₂ tham gia chuyển hóa glucid, lipid. Vitamin B₂ ảnh hưởng tới khả năng cảm thụ ánh sáng của mắt, nhất là với sự nhìn màu. Thiếu vitamin B₂ sẽ có tổn thương ở giác mạc và thủy tinh thể.
  • Nguồn cung cấp: Có nhiều trong các loại rau có lá xanh, đậu đỗ, phủ tạng động vật.
  • Nhu cầu vitamin B₂: Trong điều kiện bình thường cần 0,8mg/1000kcal hoặc 2,5mg/ngày.
2.4.5 Vitamin PP: (acid nicotinic, vitaminB₃, niacin)
  • Vai trò dinh dưỡng: Tất cả các tế bào sống đều cần Niacin và dẫn xuất của nó. Chúng là thành phần cốt yếu của 2 coenzym quan trọng trong chuyển hóa glucid và hô hấp tế bào.Trong cơ thể, Tryptophan có thể chuyển thành acid niconitic. Thiếu Niacin và Tryptophan là nguyên nhân gây bệnh Pellagra. Biểu hiện chính của bệnh là viêm da, nhất là vùng da tiếp xúc ánh sáng mặt trời, viêm niêm mạc, ỉa chảy, các rối loạn về tinh thần.
  • Nguồn cung cấp vitamin PP: có trong thực phẩm nguồn gốc động vật, thực vật. Ở thịt, phủ tạng động vật, ở lớp ngoài của các loại hạt gạo, ngô, mì, lạc…
  • Nhu cầu vitamin PP: Nhu cầu của cơ thể khoảng 15 đơn vị “đương lượng niacin” trong một ngày (một đương lượng niacin = 1mg) hoặc 6,5 ĐL niacin cho 1000kcal.
2.4.6 Vitamin C: (Acid Ascorbic)

– Vai trò dinh dưỡng:

+ Vitamin C tham gia nhiều quá trình chuyển hóa quan trọng.Trong quá trình oxy hóa khử, vitamin C có vai trò như một chất vận chuyển H⁺. Vitamin C kích thích tạo colagen của mô liên kết, sụn, xương, răng, mạch máu. Thiếu vitamin C có các biểu hiện xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, đau mỏi khớp, là triệu chứng sớm của bệnh Scorbut.

+ Vitamin C kích thích hoạt động của các tuyến thượng thận, tuyến yên, hoàng thể, cơ quan tạo máu, kích thích sự phát triển của trẻ em, phục hồi sức khỏe, vết thương mau lành, tăng sức bền của thành mạch, tăng khả năng lao động, tăng sức đề kháng…

– Nguồn vitamin C: Có nhiều trong rau, quả tươi như bưởi, cam, chanh, ổi…

– Nhu cầu vitamin C: Người lớn cần 15 – 20mg/1000kcal hoặc 70mg/ngày. Nhu cầu tăng lên trong điều kiện nóng bức, lao động nặng, có thai, cho con bú, nhiễm độc.

2.5 Chất khoáng:

Chất khoáng là nhóm chất cần thiết không sinh năng lượng nhưng giữ vai trò trong nhiều chức phận quan trọng đối với cơ thể. Chất khoáng có hàm lượng lớn được xếp vào nhóm các yếu tố đa  lượng như calci, phospho, magie, kali, natri…Chất khoáng có hàm lượng nhỏ được xếp vào nhóm các yếu tố vi lượng như iod, sắt, đồng, coban, mangan, kẽm…
Vai trò dinh dưỡng:
  • Chất khoáng có vai trò rất đa dạng và phong phú như tham gia quá trình tạo hình, duy trì cân bằng kiềm toan, tham gia vào chức phận nội tiết, điều hòa chuyển hóa nước trong cơ thể. Nhiều chất khoáng tham gia vào chức phận miễn dịch đặc biệt như Fe, Zn, Cu và Se…
  • Calci, phospho và magie là thành phần cấu tạo xương, răng.Thiếu calci xương trở nên xốp, ở trẻ em làm xương mềm và biến dạng (còi xương) Ngoài ra, calci còn tham gia điều hòa quá trình đông máu và giảm kích thích thần kinh cơ.
  • Phospho là thành phần của một số men quan trọng tham gia chuyển hóa protid, glucid, lipid hô hấp tế bào và mô, các chức phận của cơ và thần kinh Để đốt cháy các chất hữu cơ trong cơ thể, mọi phân tử hữu cơ đều phải qua giai đoạn liên kết với phospho (ATP).
  • Sắt cùng với protid tạo huyết cầu tố, thiếu sắt sẽ gây thiếu máu. Iod giúp tuyến giáp hoạt động bình thường, phòng bướu cổ và thiểu năng trí tuệ. Phosphat, kali, natri duy trì
Nguồn cung cấp chất khoáng:
  • Nguồn gốc thực vật: Rau, củ, quả tươi, đậu đỗ…
  • Nguồn gốc động vật: Thịt, trứng, sữa, thủy sản…
  • Muối ăn, muối iod.
2.6 Chất xơ (Cellulose)

Chất xơ tuy không có giá trị dinh dưỡng nhưng rất cần cho cơ thể vì nó kích thích tăng nhu động ruột, giúp đưa nhanh chất thải ra khỏi ống tiêu hóa, đề phòng táo bón. Ngoài ra, chất xơ còn có tác dụng điều hòa hệ vi khuẩn có ích ở ruột, góp phần đào thải các chất độc và cholesterol thừa ra khỏi cơ thể.
Thực phẩm cung cấp chất xơ chính là thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

2.7 Nước

Nước là thành phần cơ bản của tất cả các tổ chức và dịch thể, chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể nhưng phân bố không đều. Hàng ngày cơ thể chúng ta thải khoảng 2,5 lít nước qua nước tiểu, phân, mồ hôi và hơi thở. Lượng nước đưa vào cơ thể hằng ngày cũng cần phải tương đương qua đường thức ăn, nước uống và sản phẩm của quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể.
Khi cơ thể thiếu nước sẽ có cảm giác khát. Nếu cơ thể mất nước sẽ dẫn đến mất nhiều chất điện giải và gây ra rối loạn điện giải rất nguy hiểm. Mọi quá trình chuyển hóa trong tế bào và mô chỉ xảy ra bình thường khi có đủ nước.
Nguồnhiu.vn
Lượt xem17/06/2021
0 0 0
Chia sẻ bài viết
Tags

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng